Thứ Ba, tháng 5 29, 2012

Chào mùa hoa phượng đỏ




Chào mùa hoa phượng đỏ
Chào chỗ ngồi thân quen,
Chào những bài học nhé,
Đón tuổi thơ của em.

Mai tiếng ve mùa hè,
Sẽ cùng em dạo phố,
Dế mèn hay dế trũi,
Đón mùa hè cùng em

Những quyển sách thân quen,
Tạm xa nhau bạn nhé,
Mình theo mùa hoa phượng,
Nhớ trường và nhớ cô.

Chào cánh hoa phượng đỏ,
Bâng khuâng những mùi hương
Nghe tiếng chim ríu rít
Đón mùa hè cùng em.

                                                  Hè 2012 - Nguyễn Lê Hằng



Thứ Hai, tháng 5 28, 2012

QUY ĐỊNH MỚI VỀ MẪU CHỨNG MINH NHÂN DÂN


Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16 tháng 05 năm 2012  Bộ Công an ban hành quy định về mẫu Chứng minh nhân dân. Thông tư này quy định cụ thể về hình dáng, kích thước, quy cách, nội dung và thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân; thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc sản xuất và quản lý mẫu Chứng minh nhân dân.
Thông tư này áp dụng đối với: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú theo Luật Cư trú; Công an các đơn vị, địa phương; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân.
Chứng minh nhân dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Nền mặt trước Chứng minh nhân dân gồm: Hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn. Nền mặt sau Chứng minh nhân dân gồm các hoa văn. Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên Chứng minh nhân dân. Các chữ tiêu đề trong Chứng minh nhân dân gồm: Số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú; có giá trị đến; đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngón trỏ trái; ngón trỏ phải; ngày, tháng, năm; chức danh người cấp (Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) màu xanh lam. Mã vạch hai chiều lưu trữ một số thông tin cơ bản của công dân được cấp Chứng minh nhân dân mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số Chứng minh nhân dân riêng. Số Chứng minh nhân dân gồm 12 chữ số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số ghi trên Chứng minh nhân dân được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số ghi trên Chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Chứng minh nhân dân đã được cấp theo Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội còn thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng; trường hợp cần đổi theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư này.
Nguyễn Lê Hằng  

Chủ Nhật, tháng 5 27, 2012

HƯỚNG DẪN LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VỀ ĐĂNG KÝ THUẾ

Thông tư s80/2012/TT-BTC ngày 22 tháng 5 năm 2012 Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế. Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2012  Thông tư này thay thế Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về việc đăng ký thuế; Bãi bỏ mẫu số 01-ĐK-TNCN đăng ký thuế dùng cho cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân ban hành kèm theo Thông tư số 175/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thông tư này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thuế; thay đổi thông tin đăng ký thuế; chấm dứt hiệu lực mã số thuế; trách nhiệm quản lý và sử dụng mã số thuế. Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sau: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ, hàng hoá. Cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức được ủy quyền thu phí, lệ phí. Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với luật pháp Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vấn đề về thuế như: các Ban quản lý dự án, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, cá nhân không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế nhưng được hoàn thuế, hoặc được tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài. Tổ chức, cá nhân khác có phát sinh khoản phải nộp Ngân sách nhà nước.
Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thuế, theo quy định chậm nhất không quá 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm cấp chứng nhận đăng ký thuế. Người nộp thuế đã được cấp mã số thuế nếu phát sinh các hoạt động sản xuất kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh sang các tỉnh, thành phố khác (không thành lập chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc) phải thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế. Người nộp thuế là DN, tổ chức sử dụng mẫu tờ khai 01-ĐK-TCT; đơn vị trực thuộc DN, tổ chức sử dụng mẫu tờ khai 02-ĐK-TCT kèm hợp đồng hoặc giấy phép hoạt động kinh doanh mới, mở rộng để đăng ký thuế với Cục thuế tỉnh, thành phố nơi có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh mới hoặc mở rộng. Người nộp thuế phải tự ghi MST đã được cấp trên tờ khai đăng ký thuế. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chuyển hoạt động kinh doanh từ vợ sang chồng, bố mẹ sang con và ngược lại phải thông báo với cơ quan thuế để cấp lại MST. Trường hợp bên nhận đã được cấp MST cá nhân thì sử dụng MST đã được cấp để khai, nộp các loại thuế phát sinh.
Việc tiếp nhận hồ sơ đối với các tổ chức, cá nhân không thành lập theo Luật Doanh nghiệp được thực hiện như sau: Công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, ghi rõ thời điểm nhận hồ sơ, số lượng tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ đăng ký thuế đối với trường hợp hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế. Công chức thuế viết phiếu hẹn ngày trả kết quả đăng ký thuế, thời hạn trả kết quả không được quá số ngày quy định của Thông tư này. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế gửi bằng đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi sổ văn thư của cơ quan thuế. Trường hợp đăng ký thuế điện tử, việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch điện tử. Công chức thuế kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế, trường hợp cần bổ sung hồ sơ đăng ký thuế, cơ quan thuế thông báo cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ đối với hồ sơ nhận trực tiếp; trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đối với hồ sơ nhận theo đường bưu chính hoặc giao dịch điện tử.

Vàng

Vàng miếng được mua bán bình thường đến cuối năm

Theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/5, có hiệu lực từ 10/7, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng có 6 tháng chuyển tiếp, kinh doanh mua bán vàng nữ trang có 12 tháng chuyển tiếp.
Ngày 25/5/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 16/2012/TT- NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. 
Theo đó, Thông tư quy định về thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong thời hạn chuyển tiếp này, tức là từ nay đến hết năm 2012, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục thực hiện bình thường như thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với NHNN theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và Thông tư số 16/2012/TT-NHNN. Sau thời hạn chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng chấm dứt theo đúng quy định tại Điều 21 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Các loại vàng miếng bao gồm vàng miếng SJC và vàng miếng có nhãn mác của các đơn vị khác đã được NHNN cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng trước đây thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua, bán bình thường trên thị trường. Sau thời hạn chuyển tiếp như quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN, các loại vàng miếng này sẽ chỉ được mua, bán thông qua các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn trên, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại NHNN; các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/07/2012. Các nội dung khác như hoạt động mang vàng khi xuất, nhập cảnh của cá nhân; hoạt động mua, bán vàng miếng của NHNN sẽ được hướng dẫn bằng văn bản riêng.

Thứ Tư, tháng 5 23, 2012

QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM VÀ HỌC THÊM

Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra tràn lan, nhất là ở các vùng đô thị, thành phố lớn, ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DT-HT).
Theo đó, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học và được gia đình đồng ý. Nếu như quy định cũ chỉ nêu ngắn gọn “không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”, thì trong quy định mới đã nêu rõ ràng hơn “không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc”. Đồng thời, các trường không được tổ chức lớp DT-HT theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp DT-HT phải có học lực tương đương nhau; giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình ngoài nhà trường phải xin phép hiệu trưởng.
Ngoài ra, mức thu DT-HT hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, không còn do UBND tỉnh/thành phố trực tiếp ban hành như trước đây. Nhà trường tổ chức thu, chi công khai và quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ, giáo viên không được trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Ưu điểm nổi bật của Thông tư 17 (so với các quy định trước đây và so với chính dự thảo ban đầu của Thông tư) là “cắt” được ý định “lách luật” trong dạy thêm bậc tiểu học. Vì đối với học sinh tiểu học, chỉ được phép dạy thêm các môn năng khiếu và kỹ năng sống, không được dạy thêm các môn văn hóa.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2012, thay thế Quyết định 03/2007/QĐ-BGDĐT.

Thứ Ba, tháng 5 22, 2012

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THU NHẬP CHỊU THUẾ

Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại Nghị định này. Đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập quy định tại khoản 2 Điều này thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
 Thu nhập khác bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật; Thu nhập từ chuyển nhượng dự án, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Nghị định này; Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm cả tiền thu về bản quyền dưới mọi hình thức, thu về quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật. Cho thuê tài sản dưới mọi hình thức; Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác; Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn. Thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính (trừ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định mà tài sản cố định này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh). Hoàn nhập các khoản dự phòng (trừ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa tại doanh nghiệp; hoàn nhập khoản trích lập quỹ dự phòng tiền lương), các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập; Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra; Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật; Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được, trừ khoản tài trợ quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 124/2008/NĐ-CP); Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận tài sản được hạch toán theo giá đánh giá lại khi xác định chi phí được trừ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 1 Nghị định này; Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam; Thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế và các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2012 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2012 trở đi.

Thứ Hai, tháng 5 07, 2012

Có nên cho con đi học sớm

Cho con đi học sớm, học trước nhiều người nói là sai lầm, sợ trẻ biết rồi sẽ không chịu học nhưng là người có con đang học lớp 1 chuẩn bị bước vào lớp 2 tôi thấy việc học trước lớp 1 là vô cùng quan trọng bởi một lẽ kiến thức của lớp 1 bây giờ rất nặng, trẻ con phải học quá nhiều với các môn học toán, tiếng anh, đạo đức, mỹ thuật, thủ công, hát, thể dục và rèn luyện kỹ năng sống môn học ngoài giờ, khi các cháu có kiến thức trước các cháu sẽ vững vàng hơn, sẽ học tốt hơn. Tôi đưa con mình ra làm ví dục các cháu học sinh lớp 1 đang tuổi ăn tuổi chơi nên chưa biết tập trung học, khi học còn cần bố mẹ giục và kích thích để học, việc học trước giúp các cháu làm quen với việc viết, việc đọc, việc học nếu không cho con đi học sớm với môi trường học hiện tại ở những thành phố lớn, nơi trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội. Hãy cho trẻ tiếp cận với văn hóa viết, đọc khi chuẩn bị vào lớp 1 không con bạn khó mà theo kịp chương trình học của lớp 1, như nhiều bài toán khó bố mẹ còn phải đánh vật, trẻ học xong lại quyên.
Ai bảo học trước là không tốt hãy vào cuộc, theo sát con mới biết học trước tốt biết chừng nào?
Tôi đã sợ điều cho con học trước nhưng vì tôi đã cho cháu đi học trước nên sự lo lắng khi cháu bước vào môi trường mới đã giảm, cháu có kinh nghiệm để học, để làm quen, để giao tiếp.