Thứ Hai, tháng 2 27, 2012

Con gái thời nay 'né lấy chồng'

Con gái thời nay 'né lấy chồng'

Có vẻ như càng hài lòng về cuộc sống và sự nghiệp thì các cô gái thời nay lại càng tránh xa chuyện lấy chồng. Có rất nhiều nguyên nhân cũng như nỗi lo sợ khiến họ không muốn có một người cùng 'nâng khăn, sửa túi'.
Nhiều gia đình cảm thấy lo lắng cho cô con gái đã qua cái tuổi đẹp nhất để lấy chồng mà vẫn rất ư trẻ con. Họ không hề ý thức được việc mình đã nhiều tuổi mà luôn cho rằng mình còn trẻ trung lắm, xì tin lắm.
Hiền sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 3 anh em. Đã 32 tuổi nhưng cô vẫn rất vô tư, không hề nghĩ đến việc phải lấy chồng, mặc cho bố mẹ giục dã cô vẫn bình chân như vại.
 
Ra trường, xin được công việc ổn định tại một công ty lớn ở Hà Nội, cô thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình mà nghĩ rằng không cần phải lấy chồng bởi cô sợ lấy chồng sẽ khổ.
Mặc dù có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cô vẫn không rung động trước bất cứ lời tỏ tình nào. Đến một ngày, trên đường đi làm về, trên chuyến xe bus có em sinh viên đẩy vào lưng và nói: “Cô ơi cho cháu nhờ đi xuống dưới với ạ!”.
Cô giật mình thảng thốt, “mình đã làm cô rồi sao”, luống cuống Hiền tránh ra cho em sinh viên đi mà trong đầu vẫn luẩn quẩn suy nghĩ về tuổi xuân, chợt thấy lòng buồn ghê gớm. Tối hôm ấy cô quyết định lên kế hoạch cho tương lai, trong đó có kể hoạch lấy chồng, nhất quyết không sợ khổ nữa.
Nga đã gần 30 nhưng vẫn "phòng không chiếc bóng", mẹ cô nhiều lần giục giã, thậm chí dọa nạt, bà còn đòi "quyên sinh" nếu cô không chịu lấy chồng nhưng Nga vẫn không thể mở lòng với ai.
Bố Nga đã phản bội mẹ để chạy theo người đàn bà khác. Mẹ cô phải sống đơn độc còn cô thiếu vắng tình thương của cha suốt bao năm qua. Dù giờ đã khôn lớn, hiểu chuyện hơn, Nga vẫn không thể quên được hình ảnh mẹ cô ngày ngày ngồi cửa mong chờ cha "hồi tâm chuyển ý", quay trở về với hai mẹ con.
Đã 10 năm nay, Nga phải chứng kiến cảnh mẹ đau khổ, vật vã vì sự chờ đợi không kết quả. Hơn thế nữa, cô cũng từng vấp phải hoàn cảnh giống như mẹ. Mối tình đầu của cô cũng chạy theo "tiếng sét ái tình" với một người con gái khác.
Tất cả những điều đó luôn là nỗi ám ảnh trong Nga. Cô cảm thấy đàn ông nào cũng giống nhau, bội bạc, lạnh lùng và không chung tình. Mẹ Nga nhiều lần khuyên bảo, động viên, có lúc còn đòi tự tử để ép cô nhưng Nga vẫn không thể nào dứt bỏ được quá khứ, sự tổn thương và mất đi niềm tin ở đàn ông.
 
Theo chuyên gia tư vấn Nhật Hạ tại trung tâm tư vấn An Việt Sơn, hiện nay phái đẹp có xu hướng kết hôn khá muộn. Lúc trước độ tuổi 27-30 là muộn và dễ "ế" thì hiện giờ, đây được coi là tuổi đẹp và hợp lý.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chậm kết hôn là do chưa tìm được người bạn đời ưng ý hay thời cơ chưa chín muồi thì không có gì đáng lo lắng nhưng nguyên nhân giống như trường hợp của hai bạn gái trên, ảnh hưởng tới tâm lý và cách suy nghĩ, đây thực sự là điều rất đáng quan tâm. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, chứng kiến cảnh buồn tủi của mẹ thường khiến các cô con gái có suy nghĩ lệch lạc về hôn nhân và đàn ông.
Việc đầu tiên, họ cần làm là "mở lòng" mình, tâm sự với mẹ những suy nghĩ cũng như cảm xúc để lắng nghe lời khuyên, hiểu rõ hơn tâm trạng và lý do tại sao mẹ lại hành động như vậy trong nhiều năm qua, đây là cách hữu hiệu để tìm ra câu trả cho chính bản thân. Tiếp theo là cho chính mình cơ hội tìm hiểu và quen biết với các chàng trai để chọn ra người phù hợp.
Theo Nguoiduatin

Thứ Năm, tháng 2 16, 2012

Mòn ăn Chả lá lốt trị đau nhức xương khớp

Chả lá lốt trị đau nhức xương khớp
Theo Đông y, lá lốt có vị cay tính ấm có tác dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); kháng viêm, chỉ thống (giảm đau). Còn thịt lợn, thịt nạc lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh tỳ, vị,  thận. Có tác dụng tư âm nhuận táo. Hai vị thuốc này kết hợp với nhau có vai trò bổ chính khu tà, ôn ấm cơ thể, nâng cao chính khí loại trừ tật bệnh.
Dưới đây chúng tôi  giới thiệu món ăn bài thuốc phòng trị đau nhức xương khớp từ chả lá lốt đơn giản, dễ làm để độc giả tham khảo:
Nguyên liệu: Thịt lợn vai 300g, lá lốt 20 - 30 lá, hành, hạt tiêu, gia vị dủ dùng.
Cách chế biến:
Thịt rửa sạch xay nhuyễn, lá lốt cắt cuống rửa sạch để ráo lấy một phần thái chỉ. Đem thịt, lá lốt (thái chỉ) ướp cùng hành, tiêu, gia vị đủ dùng. Trải úp từng lá lên một mặt phẳng (có thể dùng mặt thớt), xúc phần thịt xay vào giữa, cuộn tròn lại.
Cho dầu vào chảo, để lửa nhỏ cho tới khi dầu nóng. Cho chả vào rán nhỏ lửa cho tới chín vàng đều xếp vào đĩa đem ra ăn nóng với bún hoặc với cơm. Có thể ăn hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, ôn trung, tán hàn, thông kinh hoạt lạc, kháng viêm, hạ khí, chỉ thống (giảm đau).
 
Thích dụng cho những người mắc chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp hạn chế vận động do phong thấp kể cả gút. Ngoài ra còn có hiệu quả với các chứng bệnh như: yêu cước thống (đau lưng), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, cảm lạnh, sợ lạnh, lạnh tứ chi, huyết áp thấp, hay đổ mồ hôi chân…
Hiện nay nhân dân một số vùng nước ta cũng như vùng Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc) và Malaysia dùng độc vị lá lốt (50 -100g/ngày) luộc ăn hằng ngày hoặc hơ nóng lá lốt để chườm đắp trị viêm khớp cấp, mạn tính đặc biệt là gút. Ngoài ra người ta còn chế ra các chế phẩm khác nhau như nước ngâm chân, cao, cồn thuốc để phòng trị các bệnh: mụn nhọt, đau đầu, đau răng, viêm phế quản, lở loét, viêm miệng và dùng làm thuốc ra mồ hôi...
theo Báo sức khỏe và đời sống

Tam thất và Nấm Linh Chi

Linh chi và tam thất
 
1. Tam thất
Củ tam thất được xem là một trong hai loại sâm tốt của Việt Nam, đó là sâm K.5 (Panax Vietnamensis) và sâm tam thất (Panax pseudoginseng). Từ xa xưa, tam thất đã được nhân dân tin dùng như là vị thuốc bổ dùng thay nhân sâm nên mới có tên “giống nhân sâm” (Panax pseudoginseng), ngoài ra còn có tên “vàng không đổi” (kim bất hoán).
Rễ củ tam thất có Acid amin, hợp chất có nhân sterol, các nguyên tố sắt (Fe), calci (Ca) và hai chất saponin là Arasaponin A và Arasaponin B.
Một số công trình nghiên cứu về tác động dược lý của tam thất trên chuột và thỏ cho kết quả:
- Tăng khả năng hoạt động của cơ thể.
- Ức chế vi khuẩn và virus, tăng sức đề kháng đối với các yếu tố độc hại cho cơ thể hoặc các thay đổi nhiệt độ môi trường vượt quá giới hạn điều hòa của cơ thể.
- Có tác dụng hướng sinh dục nữ nhưng không có tác dụng trên nam giới.

-Theo y học cổ truyền, tam thất là một vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, không độc, có tác dụng làm tan huyết ứ và cầm máu, làm hết phù nề do ứ trệ và giảm đau. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như xuất huyết, sưng nề tụ máu do té ngã, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, bế kinh do huyết ứ, hành kinh đau bụng, sinh xong đau bụng do ứ huyết ngăn trở, sưng nề do viêm nhiễm…
- Giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm cholesterol trong máu, hạ đường huyết. Bảo vệ tim chống các tác nhân gây loạn nhịp. Không có tác dụng gây tăng huyết áp như nhân sâm.

Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên dùng tam thất.

Củ tam thất 5-7 năm mới có nhiều hoạt tính. Người ta thường phối hợp củ tam thất (12g) hầm với gà ác (thịt chứa nhiều lysin) thành món gà ác hầm tam thất làm thức ăn bổ dưỡng cho người suy nhược, dưỡng bệnh, sản phụ sau khi sinh. Vì thế, tam thất thường được dùng chung với các dược liệu bổ khác (mật ong, nhân sâm) thành thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe, chống suy nhược dưới dạng thuốc ngâm rượu, thuốc uống hay thuốc ngậm.
Khi mua tam thất cần chú ý để khỏi mua nhầm rễ thổ tam thất họ cúc (Compositae) trong khi củ sâm tam thất lại thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).
  2. Linh chi
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đối với hệ tim mạch, nấm linh chi có tác dụng điều hòa, ổn định huyết áp. Khi dùng cho người huyết áp cao, nấm linh chi không làm tăng mà làm giảm bớt, dùng nhiều thì huyết áp ổn định. Đối với những người suy nhược cơ thể, huyết áp thấp thì nấm linh chi có tác dụng nâng huyết áp lên gần mức dễ chịu nhờ cải thiện, chuyển hóa dinh dưỡng.
Đối với bệnh nhiễm mỡ, xơ mạch, dùng nấm linh chi có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, làm tăng nhóm lipoprotein tỉ trọng cao trong máu, làm giảm hệ số sinh bệnh. Nấm linh chi làm giảm nồng độ mỡ trong máu, giảm co thắt mạch, giải tỏa cơn đau thắt tim.
Đối với hệ hô hấp: nấm linh chi đem lại kết quả tốt, nhất là với những ca điều trị viêm phế quản dị ứng, hen phế quản đạt tỉ lệ đến 80% có tác dụng giảm và làm nhẹ bệnh và dần dần khỏi hẳn.
Về việc chế biến linh chi:
1. Sắc nước uống: lấy 10 - 16g linh chi, sắc với ba chén (600ml) nước, đun sôi cô đặc còn một chén, làm ba lần như vậy. Sau đó trộn lẫn với nhau uống dần trong ngày. Hoặc ngâm 20g nấm linh chi vào bình thủy chứa 1 lít nước, ngâm sau hai giờ là uống dần trong ngày.
2. Uống dạng trà: sấy nấm linh chi, tán thành bột, mỗi lần dùng 4-8g (hai thìa cà phê), cho vào 200ml nước sôi, hãm lại sau 10 phút rồi uống.
Cách chế biến tam thất: thường dùng dưới dạng thái mỏng. Nếu dùng chung với thuốc khác thì các vị khác sau khi sắc rồi, bắc xuống, cho tam thất vào, uống. Nếu muốn dùng chung với linh chi thì nấu linh chi trước, sau đó cho tam thất vào, uống.
undefined
undefined
Chú ý khi mua Linh chi:
-Chỉ nên mua linh chi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đừng xuôi lòng trước những quảng cáo đường mật như linh chi... trên rừng, trên núi.
- Linh chi chất lượng tốt thì hai mặt không bị mọt, mặt dưới có màu từ vàng chanh nhạt đến trắng. Mặt dưới linh chi có màu vàng nghệ thường không tốt, vì đó không phải là màu tự nhiên của nấm.
- Nếu dùng linh chi nấu nước uống, nên chọn nấm có kích thước vừa phải, đường kính 8 – 20 cm. Ở kích cỡ này, nấm chưa bị hóa gỗ hoàn toàn, hàm lượng các hợp chất polysaccharide và triterpen còn cao nên dễ ly trích khi nấu trong nước.
Các công ty dược phẩm trên thế giới khi chiết xuất hoạt chất của linh chi để sản xuất dược phẩm cũng chỉ dùng nấm theo tiêu chuẩn trên.
Lê Hằng Sưu tầm

Thứ Tư, tháng 2 15, 2012

Vụ ông Vươn

Án “thua” được hủy, ông Vươn có cơ thắng kiện UBND huyện Tiên Lãng
(Dân trí) - Sau phiên xử tái thẩm chiều qua, 15/2, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã chấp thuận toàn bộ kháng nghị của Chánh án, tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của 2 cấp tòa tại Hải Phòng trong vụ kiện của ông Vươn.
Kết quả xử lý vụ việc của gia đình ông Vươn mở ra hướng giải qyết cho nhiều trường hợp trương tự ở Tiên Lãng.
 
Hội đồng xét xử tái thẩm đã xử hủy toàn bộ quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 của TAND thành phố Hải Phòng và bản án hành chính sơ thẩm số 01/20120/HCST ngày 27/1/2010 của TAND huyện Tiên Lãng. Tòa quyết định giao hồ sơ lại cho Tòa án huyện Tiên Lãng xử lại từ đầu vụ kiện của ông Vươn với chính quyền huyện theo thủ tục chung.
Đại diện VKSND tối cao tham dự phiên xử tái thẩm cũng phát biểu quan điểm hoàn toàn nhất trí với kháng nghị của Chánh án, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của 2 cấp tòa tại Hải Phòng để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Với phán quyết này của HĐXX tái thẩm, vụ việc có thể diễn biến theo 2 hướng. Nếu UBND huyện Tiên Lãng nhận sai, hủy quyết định thu hồi đất đối với ông Vươn trước khi TAND huyện xử sơ thẩm lại, vụ án sẽ được đình chỉ. Nếu chính quyền không tự hủy bỏ quyết định sai trái của mình, tòa sẽ xét xử và lần này, khả năng lớn, ông Vươn sẽ thắng trong phiên tòa “kiện quan”.
Sau phiên tái thẩm, Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương cũng đã ký công văn gửi TAND thành phố Hải Phòng yêu cầu tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan vì những sai sót khi giải quyết vụ án ở cả 2 cấp tòa.
 
Hải Phòng: Xử lý trách nhiệm lãnh đạo tòa án và công an huyện

Liên quan đến những sai phạm của 2 thẩm phán Ngô Văn Anh và Cao Thành Ngọc trong việc thụ lý vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn, bà Nguyễn Thị Mai - Chánh án TAND TP Hải Phòng cho biết sau khi nhận kết quả phiên tái thẩm chiều qua, TAND TP Hải Phòng sẽ tổ chức họp ban cán sự để xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân với 2 thẩm phán nêu trên. Dựa trên kết quả của cuộc họp, Ban Cán sự Đảng TAND thành phố Hải Phòng sẽ báo cáo xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, từ đó có hướng xử lý 2 vị thẩm phán.

Cũng theo bà Mai, 2 thẩm phán Ngô Văn Anh và Cao Thành Ngọc đã nộp bản kiểm điểm lên ban lãnh đạo TAND TP Hải Phòng thừa nhận thiếu sót, để xảy ra những sai phạm trong việc thụ lý vụ việc.

Cùng sự việc, Công an TP Hải Phòng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm những thiếu sót trong công tác nắm tình hình, tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế đầm nuôi thủy sản xảy ra ngày 5/1/2012 tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng); đồng thời giao Phòng CSĐT tội phạm về TTXH khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” để truy tố, xét xử công khai bị cáo Đoàn Văn Vươn; kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo.

Liên quan đến việc ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị đập phá sau cưỡng chế, người đứng đầu Công an TP Hải Phòng khẳng định cũng đang ráo riết chỉ đạo cơ quan điều tra thu thập, củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố các bị can trong vụ án “hủy hoại tài sản công dân”.
 
Công an TP Hải Phòng khẳng định đang tích cực điều tra việc thủy sản trong đầm ông Vươn bị vơ vét tận thu sau vụ cưỡng chế

Liên quan việc thủy sản trong đầm ông Đoàn Văn Vươn “bốc hơi” sau vụ cưỡng chế, các điều tra viên cũng đang tích cực thu thập tài liệu và ghi nhận hiện trường; nếu đủ căn cứ, dấu hiệu vụ án hình sự sẽ khởi tố điều tra vụ án.

Ngoài ra, kiểm điểm trách nhiệm của Công an huyện Tiên Lãng về việc không tham mưu tốt cho UBND huyện Tiên Lãng, không nắm chắc tình hình, xử lý tình huống không tốt, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo Nguồn báo dântri điện tử

Đợi bố về

Nhỡ bố không bao giờ trở về với chị em tôi nữa thì sao...? Nghèo khổ, thiếu thốn, kể cả việc nhịn đói, tôi đã quen rồi, nhưng nếu không có bố thì…
Ảnh minh họa.
Gió xé những tàu lá chuối ngoài vườn rách tơi tả. Hàng cây trước ngõ lắc lư, oằn mình chống đỡ. Cơn bão ập đến nhanh như chớp. Xỏ chiếc áo mưa mỏng tang, mẹ cầm đèn pin lao ra giữa mưa bão, chỉ kịp dặn với chị em tôi:
- Đóng chặt cửa vào, đừng đứa nào ra ngoài đấy.
Tôi cầm tay kéo cu Mốc vào giường nhưng thằng bé vùng vằng:
- Em cũng muốn đi đón bố.
- Mưa gió thế này, đi làm sao được. Mau lên giường ngủ đi, khuya rồi.
Cu Mốc vẫn cứng đầu:
- Em không ngủ đâu, em phải chờ bố về…
Tôi phải tìm lời dỗ ngon ngọt và hứa với nó đủ thứ, thằng bé mới chịu trèo lên giường rúc vào cái chăn vải đã sờn mép, nhắm mắt lại.
Sáng nay, lúc bố hì hục đẩy chiếc xe đạp thồ chất một chồng chiếu cói cao ngất lên phố bán, mẹ đã can:
- Đài báo chiều tối nay có bão, bố nó ở nhà đi.
Nhưng bố vẫn cương quyết đi và hứa sẽ về sớm, vậy mà giờ vẫn chưa thấy về. Nỗi lo lắng đọng trên gương mặt gầy sọm của mẹ. Từ lúc đó, dù thổi cơm hay cho lợn ăn, nghe tiếng xe lạch cạch ngoài ngõ là mẹ chạy vội ra rồi lại lẳng lặng đi vào. Mẹ giục tôi dọn cơm cho hai chị em ăn trước còn mẹ vẫn ngóng ra cửa chờ bố. Chờ mãi mà không thấy, rồi bão đến. Nhìn mẹ thấp tha thấp thỏm, tôi trệu trạo nhai cơm mà thấy nghẹn đắng trong cổ. Nhà chỉ có mấy sào ruộng, ngồi trông chờ vào đó thì lấy gì mà ăn, lại còn nuôi hai chị em tôi ăn học nữa. Mấy tháng nay cu Mốc ốm suốt, bố mẹ cứ xoay vần ra lo tiền thuốc cho nó. Vậy nên, mưa nắng, cực nhọc, bố đâu nề hà, miễn là kiếm được tiền.
Gió giật mỗi lúc một mạnh, nỗi lo lắng, sợ hãi trong tôi mỗi lúc một lớn hơn: Mưa bão thế này liệu bố có gặp chuyện gì dọc đường không? Nhỡ bố không bao giờ trở về với chị em tôi nữa thì sao? Nghèo khổ, thiếu thốn, kể cả việc nhịn đói, cuốc bộ mỗi ngày năm cây số đến trường tôi đã quen rồi, nhưng nếu không có bố thì… Cu Mốc tự dưng mơ ngủ, khóc thét lên. Tôi ôm chặt lấy nó, cố trấn an em cũng là tự trấn an mình:
- Ngủ đi, không sao đâu. Tí bố về.
Trong tiếng gió rít, tôi bỗng nghe một âm thanh rất quen thuộc: tiếng xe lọc cọc của bố. Tôi vùng dậy. Cánh cửa gỗ bật tung, trước mắt tôi là bố và những chiếc chiếu cói. Tất cả đều sũng nước. Tôi nhìn khuôn mặt của bố bạc đi vì nước mưa. Mẹ giục bố đi thay quần áo rồi vội pha cho bố cốc nước gừng nóng. Cầm cốc nước gừng, đôi bàn tay gân guốc của bố run run. Mẹ ngước ánh mắt đỏ hoe nhìn bố vừa yêu thương, vừa trách móc:
- Đã biết có bão sao bố không về sớm.
Giọng bố như bị cảm lạnh:
- Tôi đang định về thì có một người trên phố thuê khuân đồ nên nán lại kiếm thêm chút tiền, gom góp để mua cho con chiếc xe đạp chứ ngày nào cũng để con cuốc bộ năm sáu cây số đến trường, tội nó lắm…
Tôi đứng lặng sau tấm mành cố nén để tiếng khóc khỏi bật ra.
 
Theo PNO

Thứ Ba, tháng 2 14, 2012

Đêm tình yêu

Đêm, những đôi bên nhau trên phố,
Những bó hoa, rực rỡ phố phường,
Em và anh dạo bước vào đêm,
Ngắm ánh sao,
                  ngắm công viên thành phố
Tiếng lá nảy mầm trong lời hôn của gió,
Lời thủ thỉ tan chảy vào đêm,
Anh và em đi qua những con đường,
Hai chúng ta bỗng dưng như trẻ lại
Những nụ hồng ngày xưa anh tặng,
Lại bồi hồi cháy đỏ lễ tình nhân,
Đã đi qua bao mùa yêu anh nhỉ?
Mà hồi hộp bất ngờ như thưở mới gặp nhau
Đêm tình yêu sô cô la vị ngọt
Kết trái mùa cho những tình yêu.
Đêm 14/2/2012 
Nguyễn Lê Hằng


Chủ Nhật, tháng 2 05, 2012

Trí thức tức là người có học

 

Những ai hèn nhát, bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu lớn đến đâu cũng chỉ là kẻ vô học.
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Dư luận gần đây rộ lên câu hỏi: Trí thức là gì? hay nói cách khác, người như thế nào thì được coi là thuộc tầng lớp trí thức? Nhất là từ khi GS Ngô Bảo Châu trả lời báo chí “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức". Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc” thì câu hỏi này lại càng được quan tâm.
Theo Từ điển Tiếng Việt của GS Nguyễn Lân, “trí thức” là người lao động trí óc (trí là hiểu biết, thức là biết). GS. Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội”. Theo TS Giản Tư Trung: “Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội”. GS. Cao Huy Thuần cũng có ý kiến tương tự: “Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ”.  GS. Nguyễn Văn Tuấn thì cho rằng trí thức thật là những người “Đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân…”
Nhớ lại cách đây 3 năm, trong loạt bài Nho sĩ thời nay có vơi đi khí phách? mình đã đặt câu hỏi này với một số chính khách, nhà khoa học, nhà báo như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS. Phạm Song,  TS. Chu Hảo và các nhà báo Phan Quang, Hữu Thọ.
Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì “trí thức phải là người luôn giữ được phẩm tiết”. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng “trí thức đích thực thì không bao giờ hèn”. Nhà báo Hữu Thọ cụ thể hơn khi ông cho rằng là trí thức thì phải có ba đặc điểm: “Một là có học vấn cao (học vấn chứ không phải bằng cấp). Hai, nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là trí thức”. Cố GS. Phạm Song khá quyết liệt: “Không có khí tiết, không là trí thức. Không dám nói lên sự thật, không phải là trí thức. Không trung thực, không phải là trí thức. Không dám bảo vệ chân lý, không phải là trí thức”. TS. Chu Hảo cho rằng “Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định, người đó còn phải là người quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng và phải có chính kiến trước các vấn đề đó. Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận”.
Mình thấy mọi người nói đều hay, đều đúng cả. Nhưng với riêng mình, mình nghĩ đơn giản trí thức là người có học. Mà một người có học thì không thể bàng quan trước vận mệnh của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Người có học cũng không thể thờ ở trước số phận cộng đồng. Người có học không thể vô cảm trước những bất công, oan ức của nhân dân mình. Người có học không thể quay lưng lại trước nỗi đau của đồng bào mình và đặc biệt, người có học không thể xu phụ cường quyền để cầu danh lợi cho bản thân. Trong mắt mình, những ai bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng, xu phụ cường quyền để cầu danh lợi thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu khoa học lớn đến mức nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ vô học, nói gì đến trí thức - tầng lớp tinh hoa của một dân tộc.
Theo Baodantri.com