(Đọc tập thơ Nỗi nhớ chưa vơi – Nxb Hội Nhà văn 2014 của Nguyễn Lê Hằng)
Chẳng biết vô tình, ngẫu nhiên thế nào mà trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi cùng một lúc nhận được 2 tập thơ đều mang tên nỗi nhớ. Tập “Chạm vào nỗi nhớ” của tác giả Nguyễn Khắc Pha ở thành phố Hồ Chí Minh và tập “Nỗi nhớ chưa vơi” của tác giả Nguyễn Lê Hằng ở Lào Cai. Cả hai tác giả này tôi đều chưa biết, chưa gặp mặt bao giờ và tập thơ họ tặng tôi là tập thơ đầu tay của họ. Tò mò, háo hức, tôi đã đọc ngấu nghiến hai cuốn sách này và bắt gặp hồn thơ trong trẻo, nỗi nhớ mênh mang, tâm hồn đa cảm của họ trước tình yêu cuộc sống. Mỗi người một phong cách nhưng tựu trung lại thì đều sâu nặng, đầm đìa nỗi nhớ chảy tràn ra trên từng trang thơ.
64 bài thơ trong tập “Nỗi nhớ chưa vơi” của Nguyễn Lê Hằng thì có tới 22 bài thơ viết về mùa thu và gần chục bài khác liên quan tới mùa thu, chứng tỏ Nguyễn Lê Hằng rất nặng lòng với thu. Đó là điều hiển nhiên vì mùa thu là mùa của thi sĩ, nghệ sĩ, mùa của văn, thơ, nhạc, họa - cái mùa mênh mang buồn, man mác nhớ, chênh chao đi giữa hai bờ hư thực. Nguyễn Lê Hằng bằng giác quan nhạy cảm của mình cũng “khốn khổ” với mùa thu, để “nỗi nhớ chưa vơi” được dịp lại trở về, lại trỗi dậy hóa thành những câu thơ da diết yêu thương.
“Sáng chớm lạnh từ ô cửa sổ em ngắm mùa thu
Ánh nắng vàng từ xa lấp lánh trên cánh đồng đầy cỏ
Em ngắm nắng và nhận ra mình trong đó
Nhận ra nỗi cô đơn
Đến với em tình cờ...”
(Em nhận ra)
Dấu hiệu của mùa thu là nắng vàng, là chớm lạnh, là nỗi cô đơn. Kể cũng lạ. Ngày nào chẳng đất ấy, trời ấy, nắng và gió thế ấy, thế mà sáng nay, tâm hồn đa cảm Nguyễn Lê Hằng bỗng tự dưng lại cảm thấy nắng khác, gió khác để rồi mình cũng khác nữa. Vẫn như mọi ngày sao sáng nay lại cô đơn thế cơ chứ. Tại trời, tại đất, tại gió, tại nắng hay bởi tại mùa thu?
“Chỉ biết lòng trống quá mùa ơi
Em nhận ra em đã yêu rồi!”.
(Em nhận ra)
Thì ra thế! Tại vì yêu nên mới có cái cảm giác lạ lùng thế. Mùa thu là mùa yêu đó chăng? Đúng vậy, Nguyễn Lê Hằng có hẳn một bài thơ “Mùa yêu” để nói về mùa thu.
“Đã chớm thu rồi anh ơi/ Mình hẹn nhau về phố núi/ Sapa mùa này hư thực/ Hẹn hò chất ngất trong mây”... “Đã vào thu đó anh ơi/ Hẹn hò ùa về nỗi nhớ/ Vùng cao mưa trơn lối nhỏ/ Anh có về lại Sapa?”. Là người con của Sapa nên Nguyễn Lê Hằng hơn ai hết hiểu cái “hẹn hò chất ngất trong mây” và “hẹn hò ùa về lối nhỏ”. Quá nhiều hẹn hò trong cái mùa yêu thương này để trong 5 khổ thơ 5 chữ của bài Mùa yêu này thì có tới 3 câu mở đầu của 3 khổ thơ, tác giả đã da diết cuống cuồng nhắc nhớ, gọi anh: Đã chớm thu..., đã về thu..., đã vào thu... anh ơi! Hối hả lắm, nồng nàn lắm ơi mùa thu! Phải yêu người, yêu mùa thu lắm mới viết được như thế.
Nguyễn Lê Hằng còn gọi mùa thu là “Mùa hẹn”. Đây là khổ thơ đầu trong bài thơ “Mùa hẹn” của chị:
“Em đang hẹn hò với mùa thu
Với tia nắng vàng ngoài cửa
Với cơn gió trên phố
Với hoa cúc đang nở trên cánh đồng”
Rồi tiếp đó, Hằng viết “Em không hẹn hò với anh”, “Em không hẹn hò với phố xá thị thành” mà chị dẫn ra chỉ hẹn với “lang thang ký ức”, với trái na, trái hồng, với con chuồn chuồn, con bươm bướm...nghĩa là chỉ hẹn với mùa thu thôi. Thật đỏng đảnh. Rất con gái. Yêu đấy, hẹn đấy mà cứ nói chệch đi mới tức chứ. Thì thế mới là thơ là yêu.
Nguyễn Lê Hằng rải mùa thu trong thơ từ khu vườn tới thành phố, từ hoa sữa đến những nụ hôn, từ khoảng trời xanh mây trắng tới ngăn bàn học cô bé học trò tuổi mười lăm...
“Những chiếc lá vàng rơi xuống mùa giữ chỗ
Gọi nắng vàng thả sắc say mê
Những nốt nhạc rơi vỡ mùa thu
Em vờ nghĩ mùa không đọng lại”
(Phía sau em mùa thu ở lại)
“Lá vàng rơi xuống mùa giữ chỗ” là một liên tưởng khá độc đáo. Đã biết đến thế rồi mà vẫn còn “vờ nghĩ mùa không đọng lại” thì đúng là cách của con gái “nói không là có, nói có là không”.
Dạo gót trên đường, bắt gặp hoa sữa rơi, Nguyễn Lê Hằng nhạt được ngay bài thơ “Mùa hoa sữa” chênh chao nhớ. “Trắng trời hoa sữa rơi/ Hương khóc òa nỗi nhớ/ Em đã yêu góc phố/ Đựng lại mùa cuối thu”... “Đi về mùa hoa sữa/ Nhớ anh em nhầm đường/ Con tim sao vội vã/ Cài chuông lại đập dồn” (Mùa hoa sữa). “Đựng lại mùa cuối thu” nghe rất lạ, rất gợi. Cái góc phố ấy, hoa sữa dồn lại đó vô tình đã “đựng lại” cả mùa thu ở đó. Từ hoa sữa bỗng nhớ anh và thế là tác giả đã “nhầm đường”. Đúng là bệnh lơ ngơ thi sĩ.
Mùa thu là mùa tựu trường. Đẹp làm sao trong nắng vàng mơ, hiu hiu gió thổi, trên đường ríu rít tuổi học trò áo trắng tinh khôi náo nức bước vào năm học mới. Mùa thu thật ngây thơ, thật trong trẻo. “Tinh khôi tuổi mười lăm/ Đến trường trong tà áo trắng/ Em làm mùa thu tỏa nắng/ Trong những ngăn bàn mùa thu”. Mùa thu len lỏi, tỏa nắng cả trong những ngăn bàn học. Chỉ những tâm hồn thi sĩ mới nhận ra được sự tinh tế đó.
Đây là “Khu vườn mùa thu của em” của Nguyễn Lê Hằng: “Đêm lặng im nghe mùa thu hát/Lá xào xạc nốt nhạc/ Bước chân ai chạm vào tháng tám/ Em trầm tư hơn”... “Khu vườn nơi mùa thu mang qua/ Tiếng của lá và lời thì thầm của đất/ Đêm lặng yên về nghe mùa thu hát/ Lá đang rơi nhiều vì nỗi nhớ mùa xưa”. Đêm thu thật yên tĩnh. Người thơ nghe được cả tiếng lá thu rơi như nốt nhạc, như bước chân ai chạm vào tháng tám. Để rồi, ngơ ngẩn nhận ra vì “nỗi nhớ mùa xưa”. Đúng là “Nỗi nhớ chưa vơi” tưởng đêm thu tĩnh lặng, yên bình thế mà nghe tiếng lá rơi lại thấy, lại nhớ bao kỷ niệm mùa xưa. Tâm hồn đa cảm, mong manh thế bảo sao mà yên bình được cơ chứ? Với lại thu thế kia, đêm man mác buồn thế ấy làm sao mà cầm lòng được?
Bởi thế nên “Em đã thức hàng đêm trước hiên nhà vắng/ Ngắm hàng cây đổ vàng khi bước tới mùa thu/ Em nhớ anh nơi bờ vai em tựa/ Níu hẹn hò trong một giấc mơ/ Mùa thu đã về và ghé môi hôn mái tóc/ Chẳng thể hờn dỗi ai en tự dỗi mình”. Thì ra là thế. Tự dỗi mình với mùa thu thì thật là đỏng đảnh, ngúng nguẩy. Duyên lắm, thơ lắm, nhà thơ ạ.
Có nhiều thi sĩ ngồi chơi với cỏ, Nguyễn Lê Hằng ngồi chơi mùa thu với lá:
“Em gom lá trước thềm thu đợi nắng
Giữ lá vàng trong gió sợ mùa đi
Lá khô ròn bay lên từ góc phố
Phơi mùa thu cho nỗi nhớ nhẹ nhàng”.
(Vì em biết mùa thu ở lại)
“Giữ lá vàng trong gió sợ mùa đi”, Nguyễn Lê Hằng đang làm điều không tưởng đó bởi chị quá yêu mùa thu, không muốn mùa thu đi trước mắt chị. Chị đang “Đợi anh thành cơn gió/ Thành bến đỗ mùa thu” (Không đề).
Mùa thu không chỉ có nắng vàng, gió heo may mà còn có những ngày mưa rả rích. Mưa thu, mưa ngâu thật buồn. “Sáng nay cơn mưa về phố/ Em bồn chồn nhớ anh/ Dù không hẹn nhưng nỗi nhớ không tên/ Bất chợt trở về khi em ngóng anh từ ô cửa nhỏ”... “Góc phố của mình, những nỗi nhớ không tên/ Em giận mình, giận anh và giận điều vô cớ/ Giận cơn mưa đi ngang qua phố/ Không nói một lời cứ khóc hồn nhiên” (Nỗi nhớ không tên).Đúng là không gì buồn hơn mưa thu. “Trầm lắng, u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng u hoài...” (Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong). Vì thế mà Nguyễn Lê Hằng giận tất cả, giận cả những điều vô cớ. Buồn bực, ấm ức lắm, nỗi nhớ không tên cứ hiện về còn anh thì đang ở đâu, ở đâu những ngày này?
Hơn hai chục bài thơ mùa thu trong tập thơ “Nỗi nhớ chưa vơi” của Nguyễn Lê Hằng, mỗi bài mỗi vẻ, mỗi tâm trạng khác nhau nhưng đều chung một nỗi niềm khắc khoải, nhớ nhung. Có quá nhiều người viết về mùa thu nhưng Nguyễn Lê Hằng viết về mùa thu ở một góc cạnh khác, không kém phần da diết, nồng nàn, khắc khoải. Đọc thơ Hằng tự nhiên tôi cũng yêu mùa thu quá chừng. Và một ý nghĩ khá ngồ ngộ trong đầu: giá mà thành lập được Hội những người yêu mùa thu thì tôi sẽ tiến cứ Nguyễn Lê Hằng giữ chân hội trưởng và tôi xin ghi tên là thành viên số một của hội.
Đã được đọc thơ Nguyễn Lê Hằng trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Lào Cai và một số báo chí khác nhưng khi đọc trọn vẹn 64 bài thơ trong tập Nỗi nhớ chưa vơi này của chị tôi càng hiểu và yêu thơ của chị hơn. Nguyễn Lê Hằng viết thơ chủ yếu để chuyển tải cảm xúc, xây dựng hình tượng nghệ thuật, ghi lại những điều tâm sự giãi bày lòng mình với cuộc sống. Bởi vậy, chị không chú tâm đến vần điệu, thể loại, cứ cho cảm xúc chảy tràn, tung tẩy cùng con chữ. Không có bài thơ lục bát nào trong tập. Nếu theo thể truyền thống thì chỉ có một số bài thơ 5 chữ nhưng chị cũng không quan tâm lắm đến gieo vần. Còn lại các bài đều theo thể tự do. Thơ chị dễ đọc, dễ cảm, rất nội tâm và gây được ấn tượng mạnh. Câu chữ, ý tứ gần gũi, cách thể hiện thì khá hiện đại. Bởi thế, thơ chị nằm giữa khoảng truyền thống và hiện đại và xu thế thì nghiêng về, hướng tới hiện đại.
Với một tập thơ đầu tay dày dặn, chất lượng như thế tôi tin chắc rằng Nguyễn Lê Hằng còn tiến xa hơn trên con đường thi ca của mình. Chúc chị “Nỗi nhớ chưa vơi” sẽ đầy lên mãi những thành công trong văn chương và cuộc sống.