Tản văn: Nơi mùa đông đi qua
Trước cửa nhà tôi có những cây bàng đỏ rực lá, những cây bàng thi nhau mặc áo mới khi thu qua đông về và khi lá chuyển đỏ thì mùa đông cũng như sắp chia xa. Chỉ còn vài chiếc lá đỏ trên thân cây bàng trước ngõ như xắp vơ vẩn đi xa khiến tôi òa lên khóc, tôi khóc vì mùa đông của tôi sẽ đi qua, ừ tôi yêu mùa đông, mùa đông có chiếc áo cây bàng đỏ rực đường phố, có những chiếc lá xô nghiêng con đường nhỏ và có cái lạnh tê người, có cái phảng phất của mùi hương hoa sữa tháng 10 nơi góc phố.
Nghe thấy mùa đông đến, tôi trở về quê hương nhìn dáng vẻ trầm mặc cổ kính của ngôi nhà thờ cổ Sa Pa, nghe tiếng chuông trong chiều lạnh buốt giá, ngắm bức tường có vệt rêu đỏ loang lổ, thị trấn đã đổi thay như hơi thở cuộc sống, một đô thị hiện đại đang mọc lên, một thành phố nhỏ chìm trong sương trắng, thành phố của tôi chuyển động theo ánh nắng mọc lên từ mùa đông, cơn gió Ô Quý Hồ chuyển từng làn mây trắng đọng nhẹ trên những dãy núi phía mờ xa, từng khu nhà lẩn khuất trong sương và khi leo lên núi tôi cứ như đang được cưỡi mây đi vào thị trấn.
Trong sự lạnh giá và già cỗi của cây cối có những mầm xanh đang nghiêng ngó đợi thời gian lấp ló đầu cành, cây đỗ trọng trước ngõ rụng lá xuống sân, trơ lại thân mình khẳng khiu. Bố tôi đã già đứng trước ngõ nhìn ra phía dãy núi Hàm Rồng trước mắt đợi tôi trở về cầm bàn tay như khi tôi còn nhỏ, mỗi khi bố điện thoại tôi lại hẹn trở về thăm mùa đông cùng bố, nơi kỷ niệm tuổi thơ rất ngọt ngào của riêng tôi. Mùa đông không lạnh vì có bàn tay ấm của bố, có những buổi bố cõng tôi đi trên con đường nhỏ đưa tôi đi qua bao mùa đông miền núi.
Dãy núi Hàm Rồng ở sát ngay Thị trấn nơi gắn bó với sự trưởng thành và lớn lên của tôi, nhà tôi ở ven núi giờ đây với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đẹp với muôn sắc hoa rực rỡ. Sa Pa xưa không trở lại, vì bố đã già tôi đã lớn, đó là quy luật của thời gian, một Sa Pa hoang sơ với nhiều loài hoa rừng khoe sắc đã thay đổi bằng dáng hình của một thành phố, những cây hoa rừng vào mùa đông vẫn còn đâu đó trong dãy núi, vẫn còn cây hoa hồng bốn mùa, hoa thược dược trước ngõ, nhưng những thung lũng trồng hoa như Hoa hồng đỏ, hồng trắng, hoa địa lan, phong lan, hoa đèn lồng, phong nữ thảo, cẩm tú cầu… dưới bàn tay nâng niu chăm sóc của con người đang ngày đêm tỏa hương, khoe sắc, tôn thêm vẻ lãng mạn cho thành phố trong sương. Trong các loài hoa được trồng ở Sa Pa , đứng đầu danh sách về diện tích và sản lượng phải kể đến hoa hồng. Hoa hồng không những được trồng ở thị trấn mà còn lan vào các thung lũng rộng, leo lên triền đồi và thậm chí cả những ruộng bậc thang uốn lượn tít tắp ở các xã San Sả Hồ, Tả Phìn, Sa Pả,... tạo thành những cánh đồng, thung lũng hoa rực rỡ.
Các lễ hội ở Sa Pa được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở chủ động quan tâm chỉ đạo sâu sát, có hiệu quả như: Hội xòe dân tộc Tày (Thanh Phú), Hội hát Then dân tộc Tày (Bản Hồ, Hội hát giao duyên dân tộc Dao (Tả Phìn), Hội Gầu Tào dân tộc Mông (San Sả Hồ), Hội xuống đồng dân tộc Giáy (Tả Van). Ngoài ra, hàng năm trên địa bàn huyện còn tổ chức các lễ hội như: "Lễ hội trên mây", "Lễ hội hoa đăng"...
Sa Pa bây giờ đã là một khu du lịch có nhiều lợi thế để phát triển, trong đó có thế mạnh về du lịch, nhất là du lịch bản làng, số lượng nhà nghỉ, khách sạn ngày một phát triển.
Trước Sa Pa mới mẻ này, tôi phải đi kiếm tìm lại những thân quen, chuyện như chỉ vừa xẩy ra từ trong giấc mơ ngày hôm qua mà đưa tôi đi qua bao giấc mơ cuộc đời, bởi sự đổi thay này đã làm nên bao nhiều số phận con người, nhiều ngôi nhà mới, con đường mới... đã đổi thay quê hương tôi. Tôi không bắt đền được ai, trái tim như đập nhanh hơn, niềm vui như ùa đến, vậy là sự đổi thay của mảnh đất quê mình đã làm đời sống của nhân dân ngày một no ấm.
Sự thật là trái tim tôi đang hạnh phúc, tôi biết điểm đến của bốn mùa và mua đông Sa Pa là khúc nhạc riêng để tôi biết nhưng mùa đi qua mang cho tôi những cảm nhận mới và hạnh phúc.
Gió đi qua ngôi nhà tôi ở và những giây phút trở về tôi thấy mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên và sự đổi thay của quê hương mình.
Nguyễn Lê Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét