Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6
thông qua ngày 28/11/2013
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam (Sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm
2013) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 gồm 11 Chương, 120 Điều, giảm 1 Chương và 27 Điều so với
Hiến pháp năm 1992, cụ thể: Chương I, gồm 13 điều từ Điều 1 đến Điều 13 quy
định về Chế độ chính trị; Chương II, gồm 36 điều từ Điều 14 đến Điều 49 quy
định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương III, gồm
14 điều từ Điều 50 đến Điều 63 quy định về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,
khoa học, công nghệ và môi trường; Chương IV, gồm 5 điều từ Điều 64 đến Điều 68
quy định về Bảo vệ tổ quốc; Chương V, gồm 17 điều từ Điều 69 đến Điều 85 quy
định về Quốc hội; Chương VI, gồm 8 điều từ Điều 86 đến Điều 93 quy định về Chủ tịch
nước ; Chương VII, gồm 8 điều từ Điều 94 đến Điều 101quy định về Chính phủ ;
Chương VIII, gồm 8 điều từ Điều 102 đến Điều 109 quy định về Tòa án nhân dân,
Viện kiểm sát nhân dân; Chương IX, gồm 7 điều từ Điều 110 đến Điều 116 quy định
về Chính quyền địa phương; Chương X, gồm 2 điều từ Điều 117 đến Điều 118 quy
định về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; Chương XI, gồm 2 điều từ
Điều 119 đến Điều 120 quy định về hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến
pháp. Hiến pháp năm 2013 được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959,
Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 . Theo đó:
Về Chế độ
Chính trị: Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam
là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các
cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung
thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy
chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với
Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm
trước Nhân dân về những quyết định của mình.Các tổ chức của Đảng và đảng viên
Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật...
Về Quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp
luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của
luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Mọi người có quyền bất
khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền
bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân,
bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Không ai được bóc mở,
kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao
đổi thông tin riêng tư của người khác. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều
kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới...
Về Bảo vệ tổ
quốc: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân.Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc
phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân;
phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần
bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải
thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh...
Về Quốc hội: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Uỷ
ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Nhiệm kỳ của mỗi
khoá Quốc hội là năm năm. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc
hội khoá mới phải được bầu xong.Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai
phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định
rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc
hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng,
trừ trường hợp có chiến tranh. Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm
thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định...
Về Chủ tịch
nước: Chủ tịch nước là người đứng đầu
Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối
ngoại.Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội.Chủ tịch
nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.Nhiệm kỳ của Chủ tịch
nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp
tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước. Chủ
tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
mình.Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch
nước giữ quyền Chủ tịch nước.Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ
tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước
mới.
Về Chính phủ:
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà
nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , thực hiện
quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm
trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch nước. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu, số lượng thành viên
Chính phủ do Quốc hội quy định.Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết
định theo đa số. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu
trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được
giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy
ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của
Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến
khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội
bầu trong số các đại biểu Quốc hội.
Về Tòa án
nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân: Tòa
án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ,
thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và
các Tòa án khác do luật định. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo
vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Viện
kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện
kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác
do luật định.Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền
con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của
Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp
luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án
nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của
Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án
khác, Viện trưởng các Viện kiểm sát khác và của Kiểm sát viên do luật định.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội
không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác, Viện
trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định.
Về Chính
quyền địa phương: Chính quyền địa
phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam .
Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ
chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt do luật định; Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa
phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa
phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa
phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề
của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở
địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Uỷ ban nhân dân
ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp
hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu
trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỷ
ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức
thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan
nhà nước cấp trên giao; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ
thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính
quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân cùng Nhà nước thực
hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Chủ tịch
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở
địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự
hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.
Về Hội đồng
bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán Nhà nước: Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ
tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó
Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu
cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Kiểm
toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân
theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản
công. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội
bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước
chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội;
trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban
thường vụ Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà
nước do luật định.
Theo quy định của Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày
28/11/2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
thì:
- Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp
tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước,
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán
nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan
mới theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cơ quan nhà nước theo quy
định nêu trên thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định
trong Hiến pháp, kể từ ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
có hiệu lực. Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy
định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước
khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ
ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực.
- Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp
luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành
mới phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc sửa
đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án
nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật
bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ
chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm
nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015).
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ,
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và
các cơ quan hữu quan khác của Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam; kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp; điều
chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định
của Hiến pháp; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thi hành Hiến
pháp. Các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác
có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cơ quan, tổ chức và địa phương
mình, nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm
Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét