Luật
tiếp công dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII,
kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013, gồm 9 chương, 36 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Luật này
quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ
sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều
kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ
chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.
Nguyên tắc tiếp công dân: Việc tiếp công dân
phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc
tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản,
thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của
pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp
công dân. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Các
cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ,
cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; Ủy ban nhân dân các
cấp; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh; Các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân
dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước. Đại biểu Quốc hội, đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật
này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp
công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt
động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Căn
cứ vào quy định của Luật này, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp
công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể
việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Gây phiền hà,
sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thiếu
trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài
liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp. Phân biệt đối xử
trong khi tiếp công dân. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
để gây rối trật tự công cộng. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan,
tổ chức, đơn vị, cá nhân. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp
công dân, người thi hành công vụ. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua
chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân. Vi phạm các quy
định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.
Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây: Trình bày về nội dung khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan
đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; Khiếu nại, tố cáo về hành
vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; Nhận thông báo về việc tiếp nhận,
kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Trường hợp người khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có
quyền sử dụng người phiên dịch; Các quyền khác theo quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo.
Khi
đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các
nghĩa vụ sau đây: Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy
ủy quyền (nếu có); Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội
dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những
nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; Nghiêm chỉnh chấp
hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; Trường hợp
nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì
phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
Địa
điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được bố trí tại vị trí
thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi. Tại địa điểm
tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị,
hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và các thông tin quy định của
Luật này.
NGUYỄN
LÊ HẰNG – SỞ TƯ PHÁP LÀO CAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét